Chịu nhiều nghi kỵ Nhạc_Chung_Kỳ

Vụ án Lư Tông

Chung Kỳ nắm quyền ở 3 tỉnh có binh mạnh nhất cả nước, chịu nhiều nghi kỵ. Năm Ung Chánh thứ 5 (1727), Thành Đô có lời đồn Chung Kỳ sắp phản, ông dâng sớ báo lên, Ung Chính đế dụ rằng: “Mấy năm gần đây, người gièm Chung Kỳ không dừng lại ở 1 hòm báng thư, thậm chí còn nói Chung Kỳ là hậu duệ của Nhạc Phi, muốn báo mối thù Tống, Kim. Công lao của Chung Kỳ là rõ ràng, nên trẫm bổ nhiệm yếu địa, giao phó trọng binh. Quân dân Xuyên, Thiểm chịu ơn dày của Thánh Tổ hơn 60 năm, yêu vua như cha, ai cũng nghe biết. Nay kẻ tạo ra lời này, không những phỉ báng đại thần, còn là đại nghịch đối với quân dân Xuyên, Thiểm. Mệnh cho tuần phủ Hoàng Bỉnh, đề đốc Hoàng Đình Quế nghiêm tra.” Ít lâu sau bọn họ tâu rằng người Hồ Quảng là Lư Tông ngụ cư Tứ Xuyên, nhân việc riêng mà tạo ra lời phỉ báng, không có chủ mưu; Lư Tông bị luận tội chém đầu.

Vụ án Tăng Tĩnh

Năm Ung Chánh thứ 6 (1728), chư sanh ở Tĩnh Châu, Hồ Nam là Tăng Tĩnh sai học trò Trương Hy dổi tên họ, gởi thư cho Chung Kỳ, đại lược nói nhà Thanh là hậu duệ của nhà Kim, Chung Kỳ là hậu duệ của Ngạc vương (tức Nhạc Phi), khuyên ông báo thù Kim – Tống, đồng mưu dấy binh. Chung Kỳ cả sợ, tra hỏi Hy, nhưng hắn ta không chịu nói thật; Chung Kỳ bèn giữ Hy ở lại mật thất, vờ thề thốt, đồng ý chào đón thầy của hắn ta để cùng mưu tính, mới nắm được tên họ của Tĩnh và Hy, rồi tâu lên. Ung Chánh đế mệnh cho thự Lại bộ thượng thư Hàng Dịch Lộc và phó đô thống Giác La Hải Lan đi Hồ Nam, hội họp với tuần phủ Vương Quốc Đống, bắt Tăng Tĩnh để nghiêm tra. Tăng Tĩnh khai rằng: nhân đọc được lời lẽ rất quyết liệt luận về Di, Hạ trong Lữ Lưu Lương bình tuyển thời văn, sai Hy tìm được di thư (tác phẩm còn sót lại) của Lữ Lưu Lương, rồi cùng với con trai của Lưu Lương là Lữ Nghị Trung, học trò của Lưu Lương là Nghiêm Hồng Quỳ, học trò của Hồng Quỳ là Thẩm Tại Khoan đi lại, chìm đắm trong học thuyết của Lưu Lương, nên sanh ra dị tâm. Lữ Lưu Lương là chư sanh người Thạch Môn, Chiết Giang (nay thuộc Đồng Hương), học giả lớn đầu thời Khang Hi, bấy giờ đã mất. Ung Chánh đế mệnh cho bắt bọn Tĩnh, Hi, Nghị Trung, Hồng Quỳ, Tại Khoan đến kinh sư. Tăng Tĩnh đến, chịu tra hỏi, bèn tự nhận nói sằng, bị Lữ Lưu Lương mê hoặc, tự tay viết lời khai, rất đỗi ca ngợi ân đức của hoàng đế. Ung Chánh đế mệnh cho biên soạn Đại nghĩa giác mê lục, lệnh cho Hàng Dịch Lộc đem Tĩnh đi Giang Ninh, Hàng Châu, Tô Châu tuyên giảng. Việc xong, Ung Chánh đế mệnh cho không giết Tĩnh và Hy, phanh thây Lữ Lưu Lương, giết bọn Nghị Trung, Hồng Quỳ, Tại Khoan, lưu đày con cháu của Lữ Lưu Lương. Càn Long đế nối ngôi, lập tức giết chết Tĩnh, Hy.